Một thắng lợi
TT - Việc ASEAN đồng ý một bản thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) để đưa ra với Trung Quốc là một thắng lợi và là một thành công trong việc chống lại ý kiến rất sai lầm là cho Trung Quốc tham gia hay quan sát việc soạn thảo.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albertdel Rosario (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại lễ khai mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần 45 - Ảnh:AFP |
Việc COC đề cập đến việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), tức thông qua bên thứ ba nếu đàm phán bị bế tắc, là một điểm mới quan trọng.
Thế nhưng, như chúng ta biết, Trung Quốc luôn chống lại việc giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba. Do vậy, việc đàm phán COC với Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ vì Trung Quốc chỉ muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương mà còn vì Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua một tòa án hay một trọng tài, tức là một bên thứ ba.
Vấn đề cơ bản hơn nữa như đã có thể thấy qua tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khi ông ta nhấn mạnh: “COC không nhằm giải quyết tranh chấp mà nhằm xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác”. Điều này có nghĩa trong khi ASEAN muốn COC bao gồm cả các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp, Trung Quốc lại chỉ muốn COC phục vụ đề xuất “gác tranh chấp, cùng khai thác” của họ.
Nếu trong đàm phán Trung Quốc thực hiện được mục đích của họ, COC sẽ trở thành bất lợi hay vô dụng đối với các nước ASEAN. Vì Trung Quốc sẽ gây tranh chấp một cách tùy tiện ở bất cứ nơi nào trên biển Đông và đòi các nước ấy “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
DƯƠNG DANH HUY (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
No comments:
Post a Comment