Singapore: Không để “chuyện nhỏ” làm rầu nồi canh
TTCT - Thứ tư tuần trước, Đảng Hành động của nhân dân (PAP) cầm quyền đã bầu bốn ủy viên thường vụ ban chấp hành trung ương mới, kết thúc đại hội đầu tiên của đảng này kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái.
Cùng ngày, chủ tịch quốc hội từ chức vì một vụ ngoại tình. Tất cả cho thấy ở Singapore những “chuyện nhỏ” không thể làm hoen ố uy danh của đảng cầm quyền và che lấp cuộc “Đối thoại Singapore” từ hơn ba tháng qua.
Ngày 17-12, hơn 100 người lớn tuổi và thiếu niên ở Singapore ghi những lời chúc năm mới 2013 lên khoảng 20.000 quả cầu thả xuống dòng sông Singapore - Ảnh: Reuters |
Giữa hai tin hàng đầu trên của ngày 12-12-2012, tin thứ nhì “nóng” hơn. Không chỉ vì là một vụ tai tiếng của ông chủ tịch quốc hội nước này, mà vì cách thức đảng cầm quyền từ thuở lập quốc ở Singapore xử lý “chuyện nhỏ” của một “con sâu” (cỡ bự) của mình như thế nào để đừng “làm rầu nồi canh”.
Từ vài tin nhắn
Chủ tịch quốc hội Michael Palmer là một chính khách thân cận Thủ tướng Lý Hiển Long đến mức được ông đề cử vào chức vụ này sau cuộc bầu cử năm ngoái để cho các đại biểu bỏ phiếu thông qua. Đó là một cuộc bầu cử đầu tiên ở đất nước mà Đảng PAP khai quốc công thần phải chịu mất cả một đơn vị bầu cử về tay đảng đối lập. Thế cho nên việc ông Michael Palmer được chọn để “trị vì” một quốc hội mới từ nay có thêm tiếng nói khác “tông” cho thấy độ tin cậy ông này trong mắt Thủ tướng Lý Hiển Long.
Ấy vậy mà chỉ vài tin nhắn điện thoại đã nhanh chóng khiến ông này phải ngậm ngùi loan báo: “Thật ân hận, tôi (xin) loan báo đã đệ trình (quyết định) từ chức thành viên quốc hội và đảng viên Đảng PAP. Tôi từ chức để nhận hoàn toàn trách nhiệm về một sai lầm nghiêm trọng đã phạm. Tôi đã có quan hệ với một đảng viên PAP khác... không làm việc trực tiếp với tôi... Tôi từ chức nhằm tránh gây rắc rối hơn nữa cho Đảng PAP và quốc hội. Tôi đã đảm trách chủ tịch quốc hội và đại biểu đơn vị bầu cử Punggol Đông bằng tất cả khả năng của tôi và các hành động của tôi đã không hề phương hại đến thành quả công tác của tôi” (1).
Chuyện một quý ông tuổi trẻ tài cao, điển trai lại sa vào vòng tay một chị nhân viên đậm đà, đắm đuối được dư luận bàn tán không ít; có người thông cảm, có người chỉ trích... (2) Tất nhiên, cái “chuyện nhỏ” này đã không được dung túng một khi những tin nhắn tai họa của ông Palmer bị tiết lộ bêu xấu đảng cầm quyền. Liệu đây có phải là một trò hạ thủ chính trị? Đích thân Phó thủ tướng Teo Chee Hean, đệ nhất trợ lý tổng bí thư Đảng PAP, quả quyết rằng “đảng đã không hề hay biết gì trước đó về các tin nhắn này cho đến khi đích thân ông Palmer báo quyết định từ chức vào hôm thứ bảy 8-12 trước đó” và rằng cả hai ông đã báo cáo với Thủ tướng Lý ngay hôm đó. Ngày hôm sau, thủ tướng gặp ông Palmer và chỉ đạo phải giải quyết dứt khoát (3). Ba ngày sau, ông Palmer loan báo từ chức cùng ngày với việc Đảng PAP loan báo mới bầu lên bốn ủy viên ban chấp hành trung ương mới.
Có thể tin rằng đây không phải là vụ “xử” một cá nhân thất sủng vì thủ tướng chỉ đạo giải quyết sao cho ông Palmer còn có “lối về” lại với chính trường trong vài năm nữa. Nếu như đây không phải là một vụ “thanh toán chính trị” thì cũng không phải là một vụ phanh phui của báo chí, vì tờ báo đầu tiên công bố các tin nhắn yêu đương là The New Paper mới chỉ tiếp cận được các tin nhắn này hôm thứ bảy tuần trước và công bố một ngày sau đó (4). Thành ra, có thể ngờ rằng vụ này do ông Palmer đã phải “tự xử” sau khi bị ông chồng chị thư ký kia phát giác.
Giành lại niềm tin bằng đối thoại
Như đã thấy từ cuộc bầu cử năm ngoái, Đảng PAP cầm quyền đang bắt đầu lung lay, cho dù mới chỉ mất có một đơn vị bầu cử song cũng chỉ giành được có 60% số phiếu bầu. Thế cho nên Đảng PAP đang ra sức giành lại niềm tin và sự tham gia của dân chúng, từ trọng tâm thảo luận của đại hội đảng mới đây đến các chủ đề của cuộc “Đối thoại Singapore” từ mấy tháng qua. Ấy vậy mà lại nổ ra vụ ngoại tình của chủ tịch quốc hội Palmer, càng tạo cơ hội cho các đảng đối lập chỉ trích.
Một nhà bình luận chính trị đã nhận định tình thế khó khăn hơn bao giờ hết của đảng cầm quyền ở Singapore như sau: “Đã qua rồi những ngày mà đảng cầm quyền khệnh khạng giành hết bất cứ ghế trống nào một cách vô cùng tự tin... Cuộc bầu cử năm ngoái đã phơi bày những điểm yếu của đảng cầm quyền... Sức mạnh của đảng cầm quyền (trong quá khứ) là trong các chính sách vị dân sinh của mình. Họ đã làm tốt điều này trong nhiều năm song nay đã tỏ ra quá tải. Các chính sách tốt cứ trở nên xấu và không bền lâu... (5)”.
Chính Thủ tướng Lý Hiển Long, trong diễn văn ở đại hội đảng, cũng tự mình đánh giá: “Từ sau cuộc tổng tuyển cử (năm ngoái), chúng ta mới chỉ có một cuộc tập bắn đạn thật là cuộc bầu cử bổ sung trong nhiệm kỳ ở đơn vị bầu cử Hougang. Chúng ta đã chiến đấu mãnh liệt, song chúng ta đã không giành lại được chiến thắng”. Chính vì thế từ mấy tháng nay diễn ra cuộc “Đối thoại Singapore” mà theo ông là để “đưa người dân Singapore cùng bàn bạc với nhau”... về những câu hỏi như: Chúng ta hi vọng những gì cho tương lai cùng chia sẻ với nhau? Làm sao cho mọi người thêm một dạ, một lòng như là một dân tộc? Làm gì để Singapore là quê nhà?... để cho “người Singapore học hỏi lẫn nhau hơn” (6).
Ông Lý Hiển Long tái khẳng định trách nhiệm của Đảng PAP: “Là đảng cầm quyền, chúng ta phải lãnh đạo Singapore..., phải rõ ràng về những gì chúng ta nhân danh, phải thật tin vào mục tiêu chính nghĩa của chúng ta và các ý tưởng của chúng ta, phải có tinh thần chiến đấu giành lấy hậu thuẫn cho những ý tưởng của chúng ta và để giành thắng lợi cho Singapore”. Sự tái khẳng định “đức tin” đó là tối cần thiết để có thể, theo ông, “cống hiến cho Singapore một sự lãnh đạo tốt. Muốn thế ta phải có những mục tiêu rõ ràng, vạch hướng đi rõ ràng nhằm đạt các mục tiêu đó”.
Ý sau cùng này rất đáng lưu ý do lẽ thường người ta chỉ đề ra mục tiêu “sẽ đạt...”, “phải đạt...”, mà không buồn vắt óc tìm xem vạch hướng đi như thế nào, làm cách nào có thể đạt mục tiêu. Càng không thể cứ loay hoay vừa làm vừa sửa, như theo ông căn dặn với đại hội về yêu cầu tự điều chỉnh cân bằng thường xuyên: “Hãy thật cẩn thận đừng có cứ bước miết trên mạn tàu, rồi chòng chành sang trái một chút, sang phải một chút, rồi lật cái đùng, lộn cổ (xuống sông)...”.
Quả thật thách đố cho đảng cầm quyền ở Singapore là rất lớn. Không chỉ vì quốc gia - thành phố này phải tồn tại trước sự cạnh tranh của các thành phố khác, nhất là của Trung Quốc mà ông Lý đã đề cập, mà còn vì “dân chúng ta được giáo dục tốt hơn, có những kỳ vọng cao hơn và có những lợi ích đa dạng hơn”. Thỏa mãn yêu cầu của một xã hội đã mang danh là “kinh tế tri thức” đã là khó, song để còn đáp ứng được cho một bộ phận người lao động “thấp” càng không đơn giản. Chính vì thế mà các đảng bộ PAP được giao năm câu hỏi thảo luận làm thế nào để “Tiến nhanh song vẫn tồn tại vững chắc”, “Thỏa mãn khát vọng cá nhân mà vẫn hoàn thành các mục tiêu duy xã hội”, “Cống hiến tối đa song vẫn cùng chia sẻ tổ ấm chung”, “Cạnh tranh toàn cầu song vẫn gắn chặt với địa phương”, “Chính sách cho mọi người song chính quyền quyết liệt”.
DANH ĐỨC
___________
(1), (2), (4): http://news.asiaone.com/News/Latest%2BNews/Singapore/Story
(3): http://www.channelnewsasia.com/stories/singaporelocalnews/view/1242415/1/.html
(5): http://www.themalaysianinsider.com/sideviews/article/pap-under-siege-chua-chin-leng
(6): Secretary General Lee Hsien Long’s Speech at 2012 Party Conference, Sunday, 2 december 2012
No comments:
Post a Comment