Wednesday, December 12, 2012

Trung Đông đã sang trang

Trung Đông đã sang trang

TT - Việc Palestine được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận nâng cấp từ “thực thể quan sát” lên một “nhà nước quan sát viên” mang nhiều ý nghĩa chính trị và thực tiễn đối với một dân tộc đã kiên trì đấu tranh suốt 65 năm qua để đòi quyền độc lập.

>> Palestine thành "Nhà nước quan sát viên", người dân reo mừng

Nhưng sự kiện này còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với toàn bộ khu vực Trung Đông và cuộc tranh chấp giữa thế giới Ả Rập - Hồi giáo với Israel - Do Thái giáo.

Chiến dịch đến Liên Hiệp Quốc đòi độc lập cho Palestine của chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas đã bắt đầu vào tháng 9-2011. Ngày 23-9-2011, Palestine đã chính thức đưa đề nghị này ra Đại hội đồng và được chấp thuận để chuyển sang Hội đồng Bảo an xem xét. Nhưng khi ấy, Mỹ đã đe dọa dùng quyền phủ quyết chống lại đề nghị này của Palestine, khiến vấn đề bị chặn lại.

Năm nay, mọi chuyện đã thay đổi. Phong trào Những người anh em Hồi giáo đã giành vị thế cầm quyền tại Ai Cập, khiến nước Ả Rập quan trọng này không còn là đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông nữa.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã công khai ủng hộ chính quyền Hamas Palestine trong cuộc chiến tám ngày vừa qua do Israel phát động nhằm tàn phá dải Gaza.

Ông Morsi cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc dàn xếp cuộc ngưng bắn ngày 22-11 giữa Hamas và Israel. Bây giờ, chính Tổng thống Mỹ Obama đã phải nhờ cậy Ai Cập tác động để Hamas chấp nhận ngưng bắn.

Cuộc chiến tại Gaza cũng làm nổi lên tình đoàn kết Ả Rập - Hồi giáo trong khu vực, trở thành hiện tượng mới, có thực lực chưa từng thấy kể từ khi ký hiệp định hòa bình giữa Ai Cập với Israel (năm 1979) đến nay. Liên đoàn Ả Rập đã ra nghị quyết thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Palestine tại Gaza, đồng thời cử phái đoàn gồm các ngoại trưởng do tổng thư ký liên đoàn Naleeb al-Arabi dẫn đầu đến Gaza ngay trong những ngày chiến sự.

Liên đoàn Ả Rập còn ra nghị quyết ủng hộ nỗ lực của tổng thống Palestine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Vai trò của thế giới Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ trong những sự kiện này đã làm lu mờ vị thế của Mỹ vốn vẫn được coi là thế lực chi phối cả hai phía trong mọi xung đột giữa thế giới Ả Rập với Israel.

Năm 2011, khi Tổng thống Palestine Abbas đưa yêu cầu “nhà nước độc lập” lên Liên Hiệp Quốc, việc Mỹ đe dọa cắt viện trợ cho chính quyền Palestine có vẻ còn có sức nặng không thể xem thường. Năm nay, việc quốc vương Qatar đến Gaza hồi cuối tháng 10 và cam kết tài trợ cho chính quyền Hamas 400 triệu USD là một thông điệp cho thấy Ả Rập không thiếu tiền để trợ giúp những người anh em Palestine.

Giờ đây, thế giới Ả Rập và Hồi giáo đã trở thành chỗ dựa vững chắc cả về chính trị và tài chính cho sự nghiệp của người Palestine.

Nội bộ Palestine cũng có chuyển biến tích cực trong việc đòi “quyền độc lập” tại Liên Hiệp Quốc. Năm ngoái, khi Tổng thống Abbas đến Liên Hiệp Quốc, phong trào Hamas cầm quyền tại Gaza đã phản đối, coi đó là “ăn xin độc lập”.

Hamas khi ấy phản đối đàm phán với Israel vì họ kiên quyết bác bỏ việc “công nhận nhà nước Do Thái”. Hamas cũng không chấp nhận đường biên giới trước chiến tranh năm 1967, bởi họ đòi khôi phục “lãnh thổ Palestine lịch sử”, nghĩa là xóa bỏ Israel khỏi bản đồ khu vực! Nhưng năm nay, trước những thay đổi to lớn trong khu vực có lợi cho Gaza, các lãnh đạo Hamas lại nhiệt tình ủng hộ việc Tổng thống Abbas đến Liên Hiệp Quốc.

Người Ả Rập và người Palestine còn rất nhiều chuyện phức tạp trong nội bộ với nhau. Nhưng chí ít họ đang thật sự trở thành một khối thống nhất khi cần bảo vệ những lợi ích Ả Rập - Hồi giáo trong khu vực, không lệ thuộc hoàn toàn vào sự chi phối của Mỹ và phương Tây như trước nữa.

Phía bên kia - Israel cũng không còn là “đồng minh dễ bảo” của Mỹ. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc chính quyền Tel Aviv không ngừng khẳng định quyền tự quyết định của nước mình khi nào cần đến “hành động quân sự” chống chương trình hạt nhân của Iran.

Cuộc nội chiến dằng dai đang diễn ra tại Syria cũng là một minh chứng nữa. Xem ra chỉ có đôi bên tranh chấp “một mất một còn” tại Syria, với đôi bên trợ giúp trong khu vực là Ả Rập và Iran, mới có vai trò quyết định đến kết cục của cuộc xung đột. Bên ngoài, kể cả Mỹ và Nga, đều hụt hơi rồi!

Trung Đông đã chuyển mình mạnh mẽ từ sự kiện được gọi là “Mùa xuân Ả Rập” hồi đầu năm 2011. Người Trung Đông, cả Ả Rập - Hồi giáo và Israel, đều quyết tâm giành lại quyền tự quyết về tay mình, không trông cậy vào cái ô che chở và chi phối của các thế lực bên ngoài nữa.

Cho dù những hệ lụy tới đây sẽ tích cực đến đâu, tiêu cực thế nào, nhưng rõ ràng Trung Đông đã sang trang rồi!

NGUYỄN NGỌC HÙNG

Israel mở rộng khu tái định cư

Người Palestine ăn mừng trở thành một nhà nước quan sát viên của Liên Hiệp Quốc - Ảnh: Reuters 

Israel đã phản ứng trước việc Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu nâng cấp Palestine thành “nhà nước quan sát viên” bằng tuyên bố sẽ xây dựng 3.000 ngôi nhà tại các khu tái định cư Do Thái tại đông Jerusalem và Bờ Tây. Bên cạnh đó, Tel Aviv cũng sẽ mở rộng khu vực Maaleh Adumim, còn gọi là khu vực E-1, vốn bị Mỹ phản đối bởi lo ngại sẽ tách rời Jerusalem khỏi Bờ Tây và nhấn chìm giải pháp hai nhà nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã chỉ trích quyết định của Israel “là hành động phản tác dụng và gây khó cho việc nối lại đàm phán trực tiếp hoặc giải pháp hai nhà nước”. Đàm phán viên Palestine Saeb Erekat cáo buộc Israel đang chống lại cả cộng đồng quốc tế.

“Israel nên ủng hộ Palestine” - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khuyến cáo và kêu gọi Israel theo đuổi tiến trình hòa bình và chấp nhận một Palestine ôn hòa. Mỹ đến nay ủng hộ việc đàm phán trực tiếp hướng tới giải pháp một nhà nước Palestine độc lập và chủ quyền, sống hòa bình và an ninh bên cạnh một nhà nước Do Thái Israel dân chủ.

TRẦN PHƯƠNG

No comments:

Post a Comment