Tuesday, December 18, 2012

The Hobbits: phim 40 khung hình/giây đầu tiên trên thế giới

The Hobbits: phim 40 khung hình/giây đầu tiên trên thế giới

TTO - Bộ phim "bom tấn" của đạo diễn Peter Jackson sử dụng chuẩn 48 hình/giây nhằm đạt được hiệu quả hình ảnh cao hơn mức bình thường, khác với chuẩn 24 hình/giây tồn tại gần 80 năm qua.

>> Khi điện ảnh không cần đến máy quay

The Hobbits ra mắt khán giả điện ảnh thế giới trung tuần tháng 12-2012. Ảnh: IMDb

Hiện video được phát phổ biến ở ba chuẩn khung hình gồm 24 fps, 25 fps và 30 fps (fps - frame per second - số khung hình/giây).

Khi những hình ảnh chuyển động liên tục nhau (motion picture) được phát liên tục với tốc độ trình chiếu từ 18 khung/giây trở lên, khi đó mắt của chúng ta ghi nhận đó là một chuỗi hình ảnh liên tục, tạo thành một đoạn phim. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản của video từ trước đến nay.

Video thực chất là chuỗi hình ảnh được chiếu nhanh liên tiếp. Ảnh: internet

Tại Việt Nam, các nhà làm phim và truyền hình thường dùng chuẩn 25 khung hình/giây (tương tự các nước châu Âu). Tại Mỹ thường dùng chuẩn 29,97 khung hình/giây, hoặc thường làm tròn là 30 khung hình/giây. Các website chia sẻ video như YouTube, Vimeo... hiện nay chưa thể hiển thị video 48 khung hình/giây.

Ưu điểm của tốc độ khung hình cao mang lại chính là sự mượt mà trong những cảnh quay đối tượng di chuyển nhanh. Đối tượng trong phim khi di chuyển sẽ không để lại vệt mờ.

Trở lại với bộ phim The Hobbits, việc Peter Jackson sử dụng chuẩn 48 khung hình/giây có thể coi là một sự thử nghiệm mới mang tính đột phá, vừa đem lại chất lượng vượt trội cho bộ phim so với các sản phẩm sử dụng công nghệ truyền thống, vừa thu hút sự chú ý của những người trong nghề.

48 khung hình/giây liệu có cần thiết?

Đây là câu hỏi được giới chuyên môn đặt ra khi bộ phim The Hobbits được bấm máy. Có ý kiến cho rằng những khán giả thông thường không nhận ra sự khác biệt giữa các mức tốc độ khung hình.

Mặt khác, nhiều người cho rằng phim 48 khung hình/giây của đạo diễn Peter “không là gì” so với những đoạn video 60 khung hình/giây của truyền hình Analog truyền thống.

Hậu trường phim Hobbits. Tấm Flash ghi 48 khung hình/giây. Ảnh: Engadget

Thực chất những thuớc phim 60 khung hình/giây này chỉ có 30 khung hình/giây. Khi xử lý tín hiệu, tivi sẽ tính toán nội suy và gấp đôi số khung hình, phát xen kẽ chẵn lẻ với nhau tạo ra hiệu quả hình ảnh mượt mà hơn cho người xem.

Dưới góc độ của một nhà làm phim, có lẽ Peter muốn tạo ra một sự khác biệt: các cảnh quay chuyển động trong phim của ông phải dứt khoát hơn, mượt mà hơn, dữ dội hơn… nhờ công nghệ quay video 48 khung hình/giây. Giống như cách mà “bom tấn” Avatar từng gây tò mò khi sử dụng những loại camera đắt tiền nhất thế giới.

Riêng Peter Jackson, ông cho rằng những thước phim 48 khung hình/giây giúp khán giả đỡ đau mắt hơn khi xem phim 3D. Còn ở định dạng 2D, “48 khung hình/giây trông cũng không khá hơn 24 khung hình/giây là mấy”.

Bên cạnh ưu điểm về hiệu quả hình ảnh, chuẩn video 48 khung hình/giây tạo nhiều khó khăn cho nhà sản xuất. Số khung hình tăng gấp đôi đồng nghĩa với việc tăng gấp đôi dung lượng lưu trữ. Tốc độ khung hình này chỉ tương thích với số ít thiết bị trình chiếu. Và khi chuyển đổi về các mức tốc độ bình thường, hình ảnh và lời thoại của phim sẽ bị “lệch pha” với nhau.

Nói một cách khách quan, video 48 khung hình/giây vẫn là một sự thử nghiệm, giống như chuẩn video 4K siêu nét vừa ra mắt giới công nghệ. Dưới góc độ của khán giả, hiệu quả hình ảnh mà nền công nghiệp điện ảnh hiện mang lại có lẽ đã đủ. Cái họ cần là nội dung có chiều sâu, chứ không phải chỉ là sự chỉn chu quá mức trong từng khung hình.

DUY NGUYỄN

No comments:

Post a Comment