WeChat chứa nguy cơ đe dọa an ninh
TTO - Chức năng bảo mật trong ứng dụng nhắn tin di động WeChat của Tencent có thể theo dõi vị trí, nội dung riêng tư của hơn 200 triệu người dùng trong thời gian thực. Thông tin cảnh báo được đăng tải từ hãng tin Guardian (Anh).
>> Ẩn họa từ ứng dụng nhắn tin miễn phí
Một phụ nữ sử dụng WeChat tại Bắc Kinh - Ảnh: Bloomberg |
WeChat, hay còn gọi là Weixin (tên gọi tại Trung Quốc), là ứng dụng nhắn tin dành cho thiết bị di động thông minh như smartphone hay tablet được phát triển từ năm 2011 bởi tập đoàn Internet Trung Quốc Tencent.
Tương tự các ứng dụng cùng nhóm phổ biến hiện nay như Viber hay WhatsApp, ngoài tin nhắn dạng văn bản, WeChat cho phép gửi tin nhắn dạng âm thanh, chia sẻ vị trí địa lý của người dùng... thông qua mạng WiFi hay 3G (mạng dữ liệu) thay vì mạng viễn thông như tin nhắn SMS / MMS truyền thống.
"WeChat có thể trở thành công cụ giám sát các đối tượng người dùng mục tiêu", theo Guardian. |
Theo Guardian, số lượng người dùng WeChat tăng rất nhanh ở châu Á (phần lớn ở Trung Quốc), lên đến hơn 200 triệu người theo công bố của Tencent trong tháng 9-2012. WeChat là ứng dụng truyền thông xã hội đầu tiên của Trung Quốc có tiềm năng bành trướng thị phần ra toàn cầu.
Từ sự phát triển rộng lớn đó, các nhà hoạt động chính trị bày tỏ mối lo ngại về các chức năng bảo mật trong dịch vụ nhắn tin âm thanh của WeChat theo dõi những hoạt động của người dùng trong thời gian thực.
Khi WeChat chính thức ra mắt thị trường Đài Loan trong tháng 10, các nhà lập pháp sở tại cũng bày tỏ sự lo ngại về một mối đe dọa an ninh quốc gia khi nó có thể tiếp xúc các thông tin liên lạc riêng tư.
* Xem: Nỗi lo từ 2 đại gia viễn thông Trung Quốc | Mỹ tố hai tập đoàn Trung Quốc đe dọa an ninh
Adam Segal, một chuyên gia về lĩnh vực an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), cho rằng không chỉ có WeChat tiềm tàng nguy cơ lỗ hổng an ninh. "Các dịch vụ và phần mềm công nghệ thông tin về cơ bản tất cả đều không an toàn. Nhiều công nghệ có một số loại lỗ hổng bảo mật mà kẻ thù có thể tìm ra và khai thác, thu thập thông tin tình báo".
Ông đưa ra cảnh báo cho người dùng trên toàn cầu cần lưu ý khi sử dụng các ứng dụng di động, cho dù chúng được tạo ra tại Mỹ nhưng cũng không thể miễn dịch các cuộc tấn công mạng. "Các lỗ hổng an ninh nằm sâu hơn so với ứng dụng, thậm chí xuất phát từ chính các thiết bị". Adam Segal lấy minh chứng qua các thiết bị HTC và iPhone gần như đều được sản xuất bởi Trung Quốc.
* Nhịp Sống Số: Máy tính xuất xứ Trung Quốc cài sẵn “mã độc” | Đại gia công nghệ Trung Quốc vướng rào cản "lòng tin"
Tencent, công ty Internet lớn nhất tại Trung Quốc và cũng là hãng phát triển WeChat từ chối bình luận về thông tin do Guardian đăng tải. Trước đó trong tháng 11 trên một tờ báo địa phương, Tencent tuyên bố "chúng tôi thực hiện bảo mật dữ liệu người dùng cẩn trọng trong hoạt động phát triển và vận hành thường nhật. Chúng tôi cũng tuân thủ các luật định liên quan tại các quốc gia mà chúng tôi hoạt động".
Trước đó, nhiều hãng thông tấn tại Trung Quốc và Hãng truyền hình CCTV cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ đe dọa người dùng WeChat. Ứng dụng này có chức năng Look Around giúp tìm kiếm các tài khoản WeChat khác đang ở gần xung quanh vị trí hiện tại của mình. Bọn tội phạm dựa vào đó xác định vị trí và nơi ở đối tượng mục tiêu. Số lượng sử dụng WeChat để phạm tội tăng vọt tại nhiều thành phố ở Trung Quốc.
THANH TRỰC (theo Guardian, Techniasia)
No comments:
Post a Comment