Thursday, December 6, 2012

Bắt 52 người nước ngoài lừa đảo qua Internet

Bắt 52 người nước ngoài lừa đảo qua Internet

TTO - Chiều 6-12, trung tá Nguyễn Sỹ Quang - phó chánh văn phòng Công an TP.HCM - cho biết sáng cùng ngày đã bắt giữ 52 nghi phạm (công dân Đài Loan - Trung Quốc và Trung Quốc đại lục).

Nhóm này đang thực hiện các chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, Internet.

Cơ quan điều tra đưa các nghi phạm về trụ sở công an - Ảnh: CTV

Theo trung tá Quang, sáng sớm cùng ngày, khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ của nhiều lực lượng thuộc Công an TP đã bất ngờ ập vào một biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng (P.Thảo Điền, Q.2), phát hiện 25 nghi phạm đang thực hiện các thao tác lừa đảo bằng thiết bị công nghệ cao. Ngay sau đó, lực lượng phối hợp của Công an TP tiếp tục ập vào một ngôi biệt thự khác cũng tại phường này và bắt giữ hơn 20 người khác đang thực hiện các hành vi tương tự.

Trong khi lực lượng công an ập đến, một nghi phạm nhảy từ lầu 1 của ngôi biệt thự xuống hòng chạy trốn nhưng đã bị bắt lại. Công an TP đã thu giữ tổng cộng hàng trăm máy điện thoại, máy tính, bộ đàm, thiết bị kết nối Internet cùng các thiết bị công nghệ cao.

Đây là đường dây lừa đảo bằng kỹ thuật công nghệ cao, hoạt động xuyên quốc gia bằng thủ đoạn tinh vi.

Nhóm này do năm người cầm đầu, tổ chức cho toàn bộ số người còn lại nhập cảnh vào Việt Nam theo thị thực du lịch, sau đó nhờ người Việt Nam thuê hai căn biệt thự này để “tác nghiệp”.

Theo đó, tổ chức này chia làm ba nhóm: Nhóm đầu tiên dùng các thiết bị công nghệ cao để đấu nối, gọi điện thoại từ Việt Nam tới Trung Quốc nhưng hiển thị mã vùng từ Bắc Kinh hoặc Quảng Châu, tự xưng là đơn vị trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc, thông báo số tài khoản của nạn nhân đang bị các băng nhóm tội phạm tấn công để chiếm đoạt tiền. Nếu nạn nhân tin, hỏi lại cách xử lý, nhóm này sẽ yêu cầu họ gọi tới một cơ quan điều tra ở địa phương để được hướng dẫn cách xử lý.

Nạn nhân gọi tới “cơ quan điều tra địa phương” mà mình đang ở theo số điện thoại của nhóm thứ nhất cung cấp, dù là số điện thoại, mã vùng địa phương nhưng được kết nối tới nhóm thứ hai, cũng ở Việt Nam. Nhóm thứ hai sẽ có người nói tiếng địa phương, “diễn” đủ các hành động như trụ sở công an, có còi hụ cảnh sát, có tiếng báo cáo, ra mệnh lệnh bắt giữ, khám xét… để nạn nhân tin tưởng hoàn toàn là đang gọi tới trụ sở công an.

Tiếp theo đó, nhóm thứ hai thông tin đúng như nội dung nhóm thứ nhất đã thông báo, kèm theo hướng dẫn nạn nhân nên cung cấp số tài khoản, chuyển tiền vào tài khoản của đơn vị nghiệp vụ chuyên phòng chống tội phạm. Khi liên lạc với đơn vị nghiệp vụ tiếp theo, nhóm thứ ba sẽ tiếp tục đóng giả và hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan chức năng địa phương, nhưng thực chất là của nhóm lừa đảo rồi chiếm đoạt.

Trước đó, một số nước như Indonesia, Philippines cũng đã bắt giữ hàng chục nghi phạm trong các băng nhóm hoạt động theo cách này.

Tại Việt Nam, Bộ Công an và công an các địa phương cũng đã bắt giữ hàng trăm nghi phạm.

“Các băng nhóm lừa đảo theo dạng này liên tục di chuyển qua các quốc gia, mỗi quốc gia sẽ chỉ dừng lại vài tháng để tránh bị phát hiện. Tại TP.HCM, hầu hết các nhóm bị phát hiện, bắt giữ trong thời gian rất ngắn, ngay khi vừa bắt đầu hoạt động" - trung tá Quang nhấn mạnh.

GIA MINH

No comments:

Post a Comment